Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

sự thật và niềm tin

Đầu tiên là chuyện sự thật lịch sử và niềm tin dân tộc.
Thật ra thì tôi cũng không rõ tôi cảm thấy thế nào ngay khi biết anh Lê Văn Tám hay chị Võ Thị Sáu là không có thật. Hay tôi đã từng nghe qua nhưng đã quên.
Tôi chỉ nhớ là tôi thích anh Lê Văn Tám. Bởi vì với tôi thì hành động tự sát chỉ có hoặc là rất ngu hoặc là rất dũng cảm. Chết cháy lại càng là sự lựa chọn vĩ đại, ý tôi nói là nó đau đớn ghê lắm.Tôi cũng thích bài hát anh Lê Văn Tám nữa. Hồi đó tôi hát suốt.
Tôi cũng luôn nhớ là tôi yêu chị Võ Thị Sáu lắm. Bởi vì chị là chị, tức là phận đàn bà con gái. Tôi ở thời đó tôi nhất định cũng chọn con đường như chị. Năm lớp 6 tôi còn đóng vai chị Sáu diễn kịch trong trường. Tôi thấy tự hào lắm.
Tôi còn nhớ có anh nào đó lấy thân lấp lỗ châu mai, một ai đó lấy thân chèn xe tải đạn, cả em nhỏ như Kim Đồng hay Lượm nữa. Tôi có lẽ nhớ sai tên, lẫn lộn người, nhầm câu chuyện. Nhưng cái tôi luôn nhớ là tôi thích những con người đó, thích chọn lựa của họ, thích lý tưởng của họ, thích mục đích sống còn và chiến đấu của họ.
Cho nên, tôi tin rằng dù họ có thật hay không thì tôi cũng sẽ hành động như họ và nhiều người Việt Nam khác cũng sẽ hành động như thế để bảo vệ mảnh đất và những con người mà chúng ta yêu thương.

Sự thật đau lòng và niềm tin cuộc sống cũng thế.
Cuộc sống của tôi màu trắng, không phải màu hồng cũng không phải màu đen. Tại tôi thích màu trắng hơn màu hồng với màu đen.
Tôi đã không đọc báo Công An hay những mẩu tin kiểu đó lâu lắm rồi. Có quá nhiều vụ giết người, cướp bóc, cưỡng hiếp, buôn lậu, tham nhũng, vân vân và vân vân. Dù là để bảo vệ bản thân thì tôi cũng chẳng cách nào nhớ hết được những kẻ đó tên gì, mặt mũi ra sao và hoạt động ở khu vực nào, nói chi đến việc đọc xem tụi đó bị bắt như thế nào và bị xử phạt ra sao càng chẳng có ý nghĩa với tôi. Tôi cũng đã không đọc chuyện anh hùng bắt cướp lâu lắm rồi. Bởi vì tôi cũng có giúp gì được cho gia đình họ đâu.
Tôi không quan tâm nếu một bác cấp cao nào đó đích thân trao tặng nhà tình thương nhưng sẽ rưng rưng khi vô tình đọc biết một ai đó nhảy xuống nước lũ cứu người. Tôi không cho tiền ăn xin nhưng luôn đem đồ ăn cho bọn con nít đứng ở bùng binh Lăng Cha Cả và sẽ quay ngược đầu xe để cho tiền một người phụ nữ ngồi ôm con khóc nức nở ở góc đường. Dù biết đâu tụi nhỏ chê phần ăn dư tôi mang cho đó hay người phụ nữ kia chỉ giả vờ khóc thì cũng có gì lạ đâu. Sự thật cuộc đời có thiếu đâu những chuyện lừa lọc dối gạt.
Tôi sống như thế đó mà thấy cuộc đời thật nhẹ nhàng. Tôi chẳng thà cứ cả tin chứ không muốn sống đa nghi ngờ vực. Và nếu một ai đó phản bội lòng tin của tôi thì tôi sẽ không tin họ nữa mà thôi. Đâu cớ gì vì một điều gì đó mà mất lòng tin đối với cuộc đời và với cả bản thân mình

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Cơm nhão


Mấy bữa nay bố vắng nhà. Cơm tự nhiên hơi nhão. Nhão thì khi ăn cứ loét nhoét trong miệng, khó thế nào ấy, chan canh lại càng khó ăn hơn. Định nhăn nhưng nhớ ra là mẹ nấu.
Sinh 2 đứa, răng mẹ đã rụng mất mấy cái nên ăn uống khó khăn hơn (tự nhiên nhớ - lại nhớ - chuyện mẹ kể nhà ngoại nuôi heo, heo mẹ khi có bầu hay cạp gạch ăn vì thiếu canxi, phụ nữ có bầu cũng vậy vì phải dành những dưỡng chất tốt nhất cho con mình).
Lần nào nấu cơm mẹ cũng dặn là cho nhiều nước để hạt cơm mềm một chút nhưng mấy khi mà nhớ.
Đọc blog của Bá Nha, thấy nhớ mẹ, nhớ bà ngoại, mà cái bạn đó hay ăn ngoài đường, chắc là vì hổng ai nấu cho. Thiệt là diễm phúc vì còn có mẹ mà, còn có cơm để ăn dù nhão... So với cái hy sinh của mẹ mình thì cái chuyện phải ăn cơm nhão bé tí tì ti thôi.
Bữa nay về ăn cơm với mẹ, món thịt gà nấu măng ăn với cơm nhão.

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Hãy sống cùng BSA

truyền lửa cho thế hệ sau
sẵn sàng ở vạch xuất phát
tình cảm nè
đoàn kết nè
đến đích
niềm tin chiến thắng
Điều hay nhất của một cuộc team building là gì? Đơn giản, đó là… “build” được một cái “team”. Khoảng cách thế hệ được xóa mất, những lằn ranh công việc được lướt qua. 40 con người ngồi với nhau trong đêm, để học một điều xưa cũ mà quý giá: Chúng ta đang sống vì điều gì…
Bí mật đằng sau một cuộc đào thoát
Tôi gọi chuyến đi team building của BSA là một cuộc đào thoát, theo đúng nghĩa của nó. Vì hình như từ ngày đầu thành lập đến giờ, chưa có một thời khắc nào công việc ngừng chảy trong tổ chức chưa tròn hai năm tuổi này. Lịch sự kiện dày kín, từ những hội thảo dành cho doanh nhân dẫn đầu ở khách sạn 5 sao với những phần tiếp đón trang trọng nhất đến những phiên chợ ở vùng quê xa tít mà cũng ấm nồng tình cảm. Lịch hẹn dày đặc, từ những bức xúc nhỏ nhất của doanh nghiệp, đến những ý tưởng lớn lao của xã hội, từ trăn trở của người công nhân nghèo đang vay vốn đi học đến phiên bản lấp lánh trên truyền hình. Công việc chưa bao giờ chờ để được giải quyết, vì người của BSA được doanh nghiệp ví như những “siêu nhân”, có thể lăn vào công việc để chỉ đợi đến cuối giờ, nhìn nhau và mỉm cười: “Thành công trót lọt”. “Trót lọt”, bởi công nghệ tổ chức (nếu được gọi là vậy) dù đã thành nếp, nhưng hầu như lúc nào cũng có những việc phát sinh giữa chừng: khách đến đông hơn dự kiến, chương trình dài hơn kế hoạch, xuất hiện những ý tưởng quá hay giữa chừng… Cái này cũng hay, cái nào cũng quý, và cái nào cũng… ráng làm cho tròn.
Chị Hồ Đức Minh, phụ trách bộ phận quản trị hội viên CLB DN hàng VN chất lượng cao chìa cái lịch làm việc không còn chỗ trống của mình và bảo: “Mới là của CLB thôi, chưa tính đến LBC, truyền thông, Quỹ hỗ trợ công nhân, bán hàng nông thôn và rất nhiều thứ… không lường trước được sẽ xảy ra vào ngày mai. Tìm đâu ra thời gian để ngồi lại với nhau trọn hai ngày”.
Vậy mà làm được. Email của Thanh Hữu, chàng trai suốt ngày tác chiến ở thị trường Campuchia theo yêu cầu của doanh nghiệp viết rất gọn: “Không ở đâu, chúng ta có những thời khắc tưng bừng như vậy. Chương trình lần đầu tiên có tại VN: họp giao ban trên xe”.
Vậy là lên đường. Gói ghém công việc trong buổi sáng đầu tuần, nạp đầy pin cho tất cả những điện thoại đường dây nóng, kiểm tra lại hệ thống GPRS của các điện thoại nối mạng. Lên đường.
Chúng tôi là… cùi bắp
Team building, bao giờ cũng là những nhóm nhỏ được chia ngẫu nhiên với những trò chơi đòi hỏi tinh thần tập thể, khả năng lãnh đạo và sức bền cộng với óc sáng tạo. Làm thế nào để tạo ra một kết quả tốt nhất? Câu trả lời không nằm ở những “ngôi sao” một thời lừng lẫy trong các hoạt động phong trào, trong các kỳ tranh tài đủ các cấp, mà nằm ở một đội hình “không có ngôi sao”: đội mang tên “Cùi bắp”. Triết lý “thơm ngon đến tận cái cùi” nghe có vẻ kỳ cục, nhưng kỳ thực, ngẫm lại, mới thấy… có lý. Hình như, trong một trái bắp, những hạt ngon nhất, cảm giác “đã đời” nhất khi được ăn bắp chính là lúc mà chúng ta tận hưởng những hạt cuối cùng còn sót lại, chạm lưỡi vào cái cùi để nghe vị ngọt lành tan rất nhẹ. Những cuộc brain storming của Cùi bắp diễn ra sòng phẳng, ai cũng có quyền tự do phát biểu ý tưởng mà không lo bị… ngu. Ai cũng có quyền đóng góp hết mức khả năng của mình để sau đó, mọi người tuân thủ tối đa quyết định cuối cùng, vì đó là phần-có-họ-trong-đó. Chính vì thế, sự phối hợp nhịp nhàng của 5 đôi chân, sự kéo đẩy ăn ý của 8 đầu dây, sự góp sức theo phân công công việc của tất cả mọi thành viên đã mang lại kết quả tuyệt đối cho những cái… cùi bắp. Anh Vinh Hiển, chuyên viên dự án chia sẻ: “Chúng tôi đã xem mình khởi đầu chỉ là những cái cùi bắp, thì không lo lắng về những mất mát mà mình phải chịu, chỉ toàn tâm toàn ý dành cho những cái mà mình sẽ đạt được. Nhìn về phía trước để thấy mình phải lớn lên mà…”.
Những cái siết tay rất chặt của đồng đội trong cùng một cuộc chơi. Những cái đăm chiêu, vắt đến mẩu ý tưởng cuối cùng để giải một thách đố. Những điệu nhảy ngẫu hứng trong dàn đồng ca trước giờ cơm… Hình như, có một mối dây mạnh mẽ hơn bắt đầu thắt chặt những con người lại với nhau, khi họ thực sự sống cùng nhau, thực sự chia sẻ cùng nhau.
Vì chúng tôi là BSA!
Bài học của những người sinh hoạt dã ngoại ghi thế này: “Trong tất cả những cuộc lửa trại, khi mà lửa đã gần tàn, đêm đã rất khuya, và rượu đã gần say, thì câu chuyện của người truyền lửa mới bắt đầu được kể, chính là cái hồn của đêm lửa trại”. Team building của BSA không có lửa, không có rượu, nhưng lửa đã thắp từ đâu đó trong lòng, men đã ngấm từ tình đồng đội, nên câu chuyện của người truyền lửa lại càng hấp dẫn hơn.
BSA là một tập hợp những con người lạ lùng. Có những người đã từng sống rất nhiều, sống nhiều chứ không phải sống lâu, như bà Vũ Kim Hạnh, hiện là chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Mỹ Liên, hiện phụ trách chuỗi phiên chợ hành cho công nhân, bà Hồng Tâm, một “nữ tướng” chuyên về sân khấu của tất cả các hoạt động hay ông Tuấn Vũ, chuyên gia về thiết kế và dàn dựng hội chợ. Có những người vừa chin trong sự nghiệp như anh Trần Minh Trọng, phụ trách quỹ hỗ trợ công nhân, chị Tố Quyên, phụ trách phát triển các dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Lại cũng có những bạn trẻ chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp… Những con người khác nhau, những số phận khác nhau và những hoạch định cuộc đời khác nhau, lại có thể ngồi cùng nhau, để nghe một câu chuyện dài, về hành trình của BSA…
“Chúng ta chọn một sứ mệnh là đứng về phía những người yếu thế. Cũng ngộ, những người yếu thế của chúng ta lại là những doanh nghiệp, có thể thành đạt hoặc đang còn khó khăn. Nhưng họ đều chưa được ủng hộ một cách thực sự trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường. Sẽ không có nhiều hào quang của những tập đoàn quốc tế, sẽ không có những mức lương choáng ngợp. Nhưng chúng ta có thể tự hào về công việc mình đang làm, vì mỗi ngày, nó tạo ra những giá trị cụ thể, xác thực cho doanh nghiệp Việt Nam một cách vô vụ lợi. Và tài sản quý giá nhất của chúng ta là sự trưởng thành, sự tự tin vì mình đang đi một con đường đúng” – bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Con đường chẳng mấy ai đi, khó khăn chất chồng, nhưng là một team, thì BSA vững bước…
TRẦN NGUYÊN
<

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Đi uống Corona

Những ngày này trời Sài Gòn bình thường, cuộc sống Sài Gòn bình thường. Chỉ có cái tâm sự... chắc cũng bình thường. Tâm sự càng để lâu càng ngấm như bia Corona (dzô dziên vì nó nhẹ hều). Uống trong lúc tâm trạng có khi cũng thấy choáng choáng. Choáng đi qua cũng nhanh nhưng người uống thì vẫn nhớ.
Thiệt là xa xỉ khi trả hơn 100k cho 2 chai Corona. Chỗ ngồi cũng thuộc loại xa xỉ nhưng có giá trị: không giả dối, chân thành, trong sáng để lắng nghe tiếng 2 chai bia cụng nhau lanh canh. Âm thanh hơi sắc, hơi nhọn nhưng nụ cười thì hiền, nhẹ và ân cần.
Vẫn nhớ là chỉ uống Corona khi thật vui hoặc thật buồn. Lần này không dậy sóng nữa mà đằm thắm hơn (chắc tại nhờ Corona).
Uống thật thiệt tình như...2 thằng mình thế nào có người cũng nhăn mặt vì "được" gọi là thằng).