Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Nỏ thần

"Tôi kể chuyện xưa nàng Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu"

Mình vẫn thích truyền thuyết ấy nên dù có hơn bận bận nhưng tri kỷ rủ đi thì... cũng ráng đi. Khách quan mà nói nội dung kịch này vậy mà đầy đặn hơn Ngàn năm tình sử. Nó chỉ thua vì đầu tư cho phần kỹ xảo hơi yếu, phục trang và sân khấu cũng vậy, mà nhất là PR chưa tốt lắm nên kịch có vẻ không "hot".
Bỏ ngoài những yếu tố hình thức thì nội dung của nó khiến mình cứ băn khoăn. Rõ ràng khi bàn luận thì mình chỉ đùa nhưng hóa ra mình nghĩ vậy thật.
1/. Người Việt Nam đã xài hàng hiệu...Trung Quốc (mà khả năng là hàng nhái) từ lâu rồi: áo lông thiên nga
2/.Gián điệp kinh tế: Trọng Thủy
3/. Con gái Việt Nam chuộng chồng ngoại là cũng từ vụ này
4/. Bảo Quốc rất đẳng cấp vì những đoạn độc thoại, đại loại trong hòa bình, nguời ta dễ mất cảnh giác, dễ bị lừa phỉnh bởi nhiều thứ vật chất mà quên đi kẻ thù rình rập sau lưng, cứ nghĩ đến hòa hiếu một cách ngây thơ thì.. chết chắc.
Nói cho to tát là chuyện Hòang Sa - Trường Sa với 16 chữ vàng của Trung Quốc. Cứ phải luôn nhớ rằng cái anh Ba Tàu ấy không bao giờ ngừng tham, không bao giờ ngừng hiểm ác. Phải luôn mở mắt to để canh chừng ảnh, phải luôn minh mẫn để hiểu ảnh muốn gì. Cái mưu đồ của ảnh trải cả 1000 năm thì dễ gì mà ảnh quên nó trong chốc lát. Chỉ có ngu mới tin chúng ta sẽ là "láng giềng tốt".
Buồn cười nhất là tự nhiên mình nghĩ, phải chi ông An Dương Vương nói "chỉ trong mấy tuần trăng mà chúng ta mất Hòang Sa - Trường Sa" chắc vở kịch khỏi diễn, còn diễn viên chắc đi tù hết luôn...

(hú hồn, load hoài không được, cứ nghĩ là "mấy ổng" chặn hết toàn bộ cái gì có nhắc đến Hoàng Sa - Trường Sa, chữ nhạy cảm mà)

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Hoài niệm sách


Mình cũng mê sách, nhưng hẳn là niềm đam mê đó chưa bằng chị Lý Lan, đành mượn lời của chị. Nhâm nhi một cuốn sách hay là nhìn những con chữ, là ngửi mùi giấy, là sờ tay trên mặt giấy thô ráp hay mịn màng, là thả hồn tưởng tượng mà không cần biết thế giới xung quanh ra sao... Thú vui xưa giờ đã trở thành "xa xỉ" với mình huống chi kiếm được người chia sẻ, haizzz

Rất tình cờ quyển sách rơi vào tay tôi. Trên trang 3 có in năm xuất bản 1908. Một trăm lẻ một tuổi nhưng cuốn sách gần như nguyên vẹn, mặc dù trang giấy hơi dòn, tôi chỉ mới lật vài trang đã vội đóng sách lại và cầm khư khư trong tay như cái bánh tráng phồng của ông ngoại. (Hồi tôi còn nhỏ, ông ngoại ở quê đi xe đò vô Chợ Lớn thăm cháu, cầm cái bánh tráng nướng phồng vàng ươm trước ngực suốt chặng đường, luôn miệng bảo những hành khách khác: Coi chừng, bể cái bánh phồng cháu tui buồn.) Tôi bưng cuốn sách cũ từ chỗ bán đồ xôn về nhà, dọc đường phập phồng lo rủi xảy ra sự cố bất kỳ làm hỏng cuốn sách thì ông chồng tôi buồn. Ổng mê sách cũ như hồi xưa tôi mê bánh tráng phồng.
Xăm soi cái bìa sách bọc bằng một thứ gì giống như vải bố, ông bỗng giật mình: (những) người từng sở hữu quyển sách này đã gìn giữ nó như báu vật; ắt hẳn nó đã được cất kỹ trong tủ kiếng, hoặc trên một kệ sách đặc biệt, nên suốt trăm năm tồn tại nó không bám bụi, không long gáy quăn góc, không bị mối mọt đục, cũng không bốc mùi mốc thâm niên của gác xép hay hầm chứa đồ cũ. Nó thậm chí còn thơm mùi thảo mộc của những chiếc lá khô ép giữa những trang sách ngã màu rơm nhạt. Nếu không phải từng là một quà tặng đầy ý nghĩa thì quyển sách này hẳn hàm chứa những kỷ niệm đặc biệt của người nào đó đã thành thiên cổ.
Tuy nhiên, trông tình trạng gần như hoàn hảo, có thể nói nó chưa hề được lật từng trang ra để được đọc. Kể ra cũng tủi thân tác giả. Nhưng số phận của đại đa số sách từng xuất bản là vậy: In ra, đưa ra nhà sách, đưa về nhà kho, rồi tiêu hủy. Một số may mắn hơn được về một cái kệ sách trong một ngôi nhà nào đó, được để lên kệ như vật trang trí, đến khi chủ nhân phát chán đem bán ve chai. Số sách thật sự may mắn được người ta cầm lên đọc, dù đọc sơ qua rồi trả lên kệ hay vất đâu đó, đáng vênh bìa lên mà tự hào. Và sau đó, dù có lăn lóc sàn nhà, vùi dập đầu giường, te tua xó bếp, một cuốn sách đã được đọc vẫn kể như “đã từng tồn tại có ý nghĩa trên đời.”
Cuốn sách chỉ để chưng lên kệ đặt giữa nhà, hay góc phòng khách, hay trong phòng học, là một cuốn sách buồn, dù thực tế nó thường được trình bày bìa đạt mức thẫm mỹ đủ để hấp dẫn người ta mua về chưng hay tặng nhau như quà mừng tân gia, thị đậu… Điều an ủi là trong những ngôi nhà xưa mà người thiết kế có đầu óc “trí thức”, cuốn sách để chưng cũng có địa vị hẳn hoi. Đôi khi còn có địa vị trang trọng nữa.
Trong vòng 20 năm qua, từ lúc bàn bè làm ăn khá lên cho đến trước cuộc suy thoái kinh tế, tôi được ăn tân gia vài chục lần, lần nào tôi cũng để ý xem khi mới bước vào cửa chính căn nhà mới toanh, cái gì gây cho mình ấn tượng trước nhứt, đậm nhứt? Thường là cái bếp hiện đại thông với phòng ăn và phòng khách. Điều này có thể do chủ nhân những ngôi nhà mới ấy là phụ nữ thành đạt, từng ngao du hoặc sống một thời gian ở Âu Mỹ, có ý thức cách mạng cái “góc bếp” ám khói xập xệ khuất tận trong cùng của ngôi nhà truyền thống Á đông. Kế đến là cái quầy rượu. Hay chỗ uống rượu. Có một nhà tạo ấn tượng độc đáo là ba bề gắn chậu cá trong tường với những đàn cá lượn giữa rong rêu đá sỏi, như giữa chốn thủy cung. Và giữa chốn đó có mấy cái ghế nhái hình vỏ sò vỏ ốc, bên cạnh một cái bàn tựa như tảng đá có để vài cuốn sách.
Không có cái kệ sách hay tủ sách nào đập vào mắt khách khi vừa bước qua ngưỡng cửa. Trong nửa tá tân gia của bạn bè là nhà giáo, không ai đặt kệ sách giữa nhà. (Tôi cũng không chắc là có kệ sách đặt đâu đó trong nhà các thầy cô giáo ngày nay.) Nhà nào có con cái còn đang tuổi đi học thì có thể có cái kệ sách khép nép bên cái bàn đặt bộ máy vi tính trong “góc học tập” hay phòng riêng của chúng. Cũng giống như cái tủ thờ không còn giữ được vị trí giữa nhà (nhìn thẳng từ cửa chính vào), tủ sách nếu còn hiện diện trong những ngôi nhà mới thì cũng lặng lẽ ở góc phòng, dọc hành lang, hay điểm xuyết đâu đó mà người ta thấy có vẻ trống trải.
Ông ngoại tôi là nông dân, trong nhà chỉ có dăm bảy quyển sách, hầu hết là kinh (thơ Lục Vân Tiên cũng được ông tôi kể là kinh), nên sách được đặt trên bàn thờ. Từ ấn tượng hồi nhỏ khi nhìn ông ngoại tôi trân trọng lấy những quyển sách trên bàn thờ xuống, cẩn thận lau chùi, như một nghi lễ, khi ông lau chùi bộ lư đồng chuẩn bị ăn Tết, tôi đinh ninh sách là vật quan trọng cần có một vị trí đặc biệt trong nhà. Khi gia đình tôi tản cư về Chợ Lớn, ngôi nhà chúng tôi ở không hẳn là nhà, chỉ là một cái chòi che chắn gió mưa cho một cuộc sống ban đầu tưởng là tạm bợ, mà rồi thời cuộc kéo thành mấy chục năm. Trong cái chòi đó không có “vị trí” cho cái gì hết, vì chỉ đủ chỗ kê cái ông lò để nấu ăn và kê tấm ván để ngả lưng.
Nhưng trong nhà tôi ngày ấy có rất nhiều sách. Đơn giản vì chị em tôi đều học giỏi, cuối năm được thưởng nhiều sách, những cuốn sách – phần thưởng mà chúng tôi yêu quí tự hào, khiến chúng tôi mê đọc và tập thành thói quen đọc sách, có tiền là mua sách đọc. Sách nằm chung chiếu với tôi, đọc xong tôi giắt sách trên kẻ vách,hay để trong thùng cạc tông, vì nhà đâu có tủ sách hay kệ sách. Nhiều cuốn vì vậy te tua, long gáy, sút bìa. Nhưng tôi có thể đọc thuộc lòng từng đoạn trong những cuốn sách đó.
Bây giờ người ta đọc sách dạng ebook, trong máy tính, hay trong iphone – hàng trăm hàng ngàn cuốn sách chứa trong một cái máy cầm gọn trong bàn tay hay để gọn trong túi áo, nên đâu cần những tủ sách hay kệ sách cho chật chỗ ngồi nhậu? Sách giấy, xưa nay từng tồn tại như vật trang trí nội thất, rồi đây nếu tiếp tục tồn tại thì có lẽ là để lấp chỗ trống những kệ sách do các kiến trúc sư hoài cổ nào đó thiết kế trong những ngôi nhà hiện đại. Đừng nhắc làm gì cái câu “cùng với con chó, sách là bạn đời tốt nhất của con người”.
Lý Lan

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Yêu - nhận?


Ngày xưa, trong nhóm bạn của tôi có một anh bạn yêu thầm một cô trong nhóm. Chúng tôi ủng hộ tinh thần cho anh chàng thổ lộ. Nhưng …cô bạn từ chối.

May sao tình bạn vẫn được duy trì. Nhưng tình yêu đơn phương của anh bạn cũng vậy. Anh nói “không cần em đáp lại, nhưng đừng cấm anh tiếp tục yêu”. Thì không cấm, bởi tình yêu ai mà cấm được. Tình yêu là điều không thể lên kế hoạch. Người ta đâu thể yêu chỉ vì được yêu, và cũng khó mà hết yêu ngay chỉ vì bị từ chối.

Nhóm bạn của tôi vẫn thân thiết êm đềm với nhau cho đến khi cô bạn có ý trung nhân. Lúc đó cô mới…phiền lòng, vì cô luôn thấy tồn tại rất gần, quanh quẩn bên cuộc sống của mình một anh chàng trồng cây si trong bóng tối. Mặc dù khi gặp cô anh luôn vui vẻ chân thành “chúc em hạnh phúc” nhưng thỉnh thoảng vẫn thổ lộ tâm sự với người này người nọ. Tất nhiên đến tai cô. Điều đó khiến cô cảm thấy như một phần trái tim mình bị cầm tù ngoài ý muốn.

Chúng tôi đột nhiên bị chia làm hai phe. Một phe nói rằng tình yêu phải xuất phát từ hai phía, nếu anh bạn kia thực sự vì cô thì hãy quên cô đi mà tìm người khác. Chứ nếu cứ yêu …mình ên như vậy hoài thì không phải thủy chung mà là ngoan cố.

Một phe bênh anh chàng, bảo rằng “Người ta chỉ yêu thôi thì đâu có lỗi gì. Người ta đã chấp nhận “yêu chay”, không mong nhận lại, không đòi hỏi, không làm phiền. Mắc mớ gì mà cấm.” Có người còn trích dẫn Larmartine “yêu vì mong được yêu lại là con người, yêu chỉ để yêu là thiên thần” và hùng hồn tuyên bố anh bạn tôi thuộc dạng…thiên thần.

Cuộc tranh luận không có hồi kết, bởi sau đó cô bạn theo chồng, anh bạn cũng đi xa… Đã mười mấy năm có lẽ. Nhưng mới đây mail về anh vẫn nhắc đến cô.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện đó khi đọc được bài viết “Tình yêu là vị kỷ”của một tiến sĩ triết học tên là Gary Hull.

Hull viết “Chúng ta vẫn được nhắc đi nhắc lại, rằng tình yêu phải bao gồm sự hy sinh. Chúng ta thường được răn dạy rằng tình yêu dựa trên những lợi ích riêng - là thứ tình thấp kém và hèn hạ. Rằng tình yêu đích thực là phải vì người khác. Nhưng có thật vậy chăng?

Thử tưởng tượng một tấm thiệp Valentine viết bởi một người yêu theo chủ nghĩa hy sinh “cho mà không cần nhận lại” với những giòng chữ sau: “Anh chẳng vui vẻ gì với sự hiện diện của em. Anh không có được sự thích thú cá nhân nào khi nhìn ngắm khuôn mặt em, dáng người em, cách em bước đi, hành động hay suy nghĩ. Mối quan hệ của chúng ta không đem lại ích lợi gì cho anh (mà chỉ cho em). Em không thỏa mãn bất cứ nhu cầu thể xác, cảm xúc hay trí tuệ nào của anh. Em là một cái thùng từ thiện (nơi anh trao tặng vô điều kiện tình yêu của mình). Yêu em. XXX”.

Ví dụ thú vị của ông khiến tôi suy nghĩ. Ai sẽ khát khao kiểu tình yêu đó? Chắc chắn không phải tôi, có lẽ cũng không phải bạn.

Theo Gary Hull thì tình yêu đích thực trái ngược hoàn toàn với điều đó. Nó có thể là kinh nghiệm ích kỷ nhất mà một người có thể nếm trải, theo ý nghĩa chính xác nhất của từ này: yêu là tìm kiếm lợi ích trước hết cho chính cuộc đời ta mà không đòi hỏi sự hy sinh của người khác hay của bản thân ta. Ông khẳng định rằng, chính vì vậy mà những người mong đợi mình sẽ nhận được một tình yêu “vô điều kiện” dựa trên chủ nghĩa hy sinh – là những kẻ ăn bám, cố gắng giành lấy một giá trị tinh thần mà mình không đáng có – cùng một cách với những kẻ trộm cố gắng đoạt lấy những của cải vật chất không do công sức mình làm ra.

Đúng là người ta thường tô đậm chữ hy sinh trong tình yêu mà quên rằng, một tình yêu thực sự đẹp là tình yêu sâu đậm từ cả hai phía mà không ai phải hy sinh cho ai cả. Tình yêu đẹp nhất là cả hai cùng hưởng lợi mà không ai thiệt hại.

Yêu một người là vị kỷ, vì ta yêu một người trước hết là bởi người ấy mang một giá trị đối với riêng ta theo tiêu chuẩn của ta, rằng người ấy làm cho cuộc đời ta trở nên tốt đẹp hơn, tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn, rằng người ấy là một nguồn vui lớn lao của ta. Ngược lại, hãy nhớ rằng ta được yêu bởi ta có một “giá trị” đối với người ấy. Giá trị đó khác nhau tuỳ theo tiêu chuẩn của mỗi người. Có khi nó là cảm giác được dựa dẫm, được ngưỡng mộ, có khi là cảm giác được thưởng ngoạn một vẻ đẹp, là việc hưởng thụ một cảm xúc, nhưng rất thường khi đó chỉ là một cảm giác bình yên, nhẹ nhõm trong lòng, hay cảm giác ấm áp, được tin cậy. Nó có thể khó nhận ra bởi sự trộn lẫn giữa bao nhiêu cảm xúc thường ngày, nhưng lại vô cùng quan trọng. Bởi nếu nó không được duy trì, trước sau gì tình yêu cũng sẽ tan theo.

Chính vì vậy mà cách giữ gìn tình yêu hiệu quả nhất chính là tìm ra giá trị của người ấy đối với ta, đồng thời nhận ra giá trị của ta đối với người ấy và giữ cho hai giá trị ấy được cân bằng. Đừng để xảy ra tình trạng “được lòng ta - xót xa lòng người”.

Nhiều năm về trước, tôi đã tự hỏi mình, vì sao tình yêu đơn phương tồn tại? Vì sao người ta có thể ôm ấp hình bóng một người suốt hàng chục năm trời mà thậm chí không cần người ấy hay biết hay đáp trả? Bây giờ tôi chợt nhận ra lý do. Đó là bởi tình yêu tự nó đã làm thỏa cõi lòng ta rồi, trước cả nỗi khổ đau vì không được đáp trả.

Daisaku Ikeda viết trong Con đường tuổi trẻ rằng: “Hạnh phúc không phải là một cái gì đó mà người khác– như một bạn gái hay bạn trai – có thể hiến tặng cho chúng ta. Ta phải hoàn thành cho chính mình”.

Niềm hạnh phúc sâu xa và trọn vẹn nhất mà chúng ta cảm nhận được trong tình yêu, không phải khi ta nhận ra rằng mình được yêu mà là khi ta nhận ra rằng mình yêu.

Bởi vì yêu chính là đã nhận.

Phạm Lữ Ân

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

tản mạn

Có ngọn gió thoảng qua, thật mát, thật nhẹ, chỉ để lại làn hương.
Mặt nước xao động lăn tăn vì cái quẫy đuôi của chú cá, chỉ để lại bọt nước sủi tăm.
Dạo này cũng có người thoắt ẩn thoắt hiện