Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Nếu có 2012

(tặng một người vừa có tin vui, bạn vẫn vui dù bị năm cọp gây áp lực)

Nếu có 2012, bố sẽ không bắt tụi con dầm mình trong tuyết, nhúng mình trong nước, trải mình qua những cơn sợ hãi tột cùng.

Nếu có 2012, bố sẽ đưa tụi con lên đỉnh Yellow Stone, đề cùng ngắm khoảnh khắc khai thiên lập địa, để cùng chạm vào nhau lần cuối và tan ra mãi mãi

Nếu có 2012, chúng ta sẽ hưởng thụ được cảm giác sống cùng người thân và chết cùng người thương, chúng ta luôn ở bên nhau, từ giây đầu tiên đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Nếu có 2012, bố sẽ không phí hoài một cuộc điện thoại chỉ để nói với con rằng bố yêu thương con, vì tụi con đã được tắm mát vùng vẫy thỏa thuê từng ngày trong tình yêu thương của bố từ ngày con vừa chào đời

Nếu có 2012, bố sẽ không lãng phí tiền để mua một suất tồn tại, bố không đưa tụi con trở về thuở hồng hoang sống như bộ lạc, số tiền đó sẽ dùng làm chuỗi ngày tươi vui hạnh phúc cho tụi con và tất cả những ai có thời gian muốn tận hưởng cùng con cái của mình.

Nếu có 2012, bố sẽ không khóc, bố sẽ ung dung điềm tĩnh và vui đùa cùng tụi con, bố sẽ kể con nghe vài nghìn năm sau nhân loại sẽ tim thấy ba bộ xương hóa thạch của bố con mình dinh chặt lấy nhau, tay cầm tay, miệng vẫn cười, yêu thương, gắn bó, khi ấy loài người sẽ đưa mình vào viện bảo tàng và gọi mình là nhân chứng tình thương.

Nếu có 2012, bố vẫn chải tóc cắt móng tay chân con, vẫn ngoáy rốn con, vẫn cụng bụng với con, vẫn hôn con và cắn con.

Nếu có 2012, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong võng mạc của bố là bóng dáng của con, vật thể bố chạm vào cuối cùng là bàn tay con, mùi thơm cuối cùng bố cảm nhận được là mùi mồ hôi của con.

Nếu có 2012, chúng ta không phải nói lời từ biệt nhau, lời cuối cùng bố sẽ nói, vẫn như mọi ngày “bố yêu thương con, nhiều, hoài, mãi”


Chúc bạn của tui tràn ngập yêu thương

(mách nhỏ là bài này của một người cha viết chứ không phải tớ đâu nhá)

Yêu thương từ phía sau lưng

(Tâm sự của chị Bo, đọc trong những ngày Tết nằm khèo ở nhà, mượn của chị bỏ lên blog vì cảm động và vì cũng có tật hay nhìn lén sau lưng mọi người. Tôn trọng tác giả, giữ nguyên bản)

Tấm hình này cô Yến chụp cho Wi ở Mũi Né.Ba bạn Cheery bảo bác í thích cái tướng đi này : mạnh mẽ,dứt khóat.
Mẹ cũng thích tấm ảnh này lắm vì mẹ hầu như chưa bao giờ có đủ thời gian để ngắm dáng đi của Wi từ phía sau.Cứ mỗi lần Wi quay lưng đi thì mẹ phải bỏ hết mọi việc để vội vã đi theo, vì có thể Wi sẽ bị té, hay Wi sẽ kiếm thứ gì đó để phá. Rồi tự dưng lẩn thẩn nhớ đến những dáng đi của những người thân yêu.
Có 2 dáng đi sẽ ám ảnh mẹ đến suốt cuộc đời.Một là dáng đi khấp khiểng của bà cố,khi bà cố đưa mẹ ra bến xe để đi Sài Gòn khi bắt đầu vào năm thứ nhất đại học. Xe rời bến 1 đoạn rất xa, bà cố vẫn đứng nhìn theo ... rồi vì còn sót 1 người khách, xe quay lại bến để đón.Mẹ nhìn thấy dáng bà cố quay về,bà cố đi bước thấp bước cao, khấp khiểng,nặng nhọc. Lúc đó có cảm giác bà cố vừa nhỏ bé,vừa cô đơn. Mà phải thôi,vì mẹ ở với bà cố từ nhỏ tới lớn, bà cố đi đâu, làm gì cũng có mẹ lẽo đẽo bên cạnh, giờ vắng mẹ chắc chắn là bà sẽ rất buồn.Mà bước đi khấp khiểng của bà cố,cũng là vì mẹ. Còn nhớ những ngày chuẩn bị khai giảng năm học lớp 6,bà ngoại yếu đi nhiều ,nên bà cố phải đi chợ mua len đan áo đồng phục cho mẹ kịp năm học mới. Những ngày tháng 9 trời Đà Lạt hay mưa, đường sá lúc nào cũng trơn trợt,nhớp nháp.Bà cố bị trợt chân té trên đường từ chợ về,và chân bà cố không còn bình thường từ đó.Nên mỗi lần nhìn bà cố bước đi,mẹ lại cảm thấy như mình có lỗi nhiều lắm.Xe chạy được 1/3 đoạn đường,nước mắt của mẹ vẫn nhòe nhoẹt ướt đẫm,chỉ mong học xong mau mau để quay về với bà.
Một dáng đi nữa là của ông ngoại.Khi ông ngoại đi vào phòng mổ.Ông ngoại bị ung thư phổi, bác sĩ chỉ định cắt bỏ 3/4 lá phổi bên trái,với hy vọng sẽ ngăn chặn khối u phát triển.Ca mổ được đánh giá có 50% cơ hội.Mẹ sợ,cậu Bung sợ,nhưng ông ngoại quyết tâm mổ,để hy vọng kéo dài thêm những ngày tháng sống với mẹ & cậu Bung. Cả nhà đưa ông ngoại vô tới cửa phòng cách ly,sau đó thì còn phải đi qua 1 đoạn hành lang dài mới vào tới phòng mổ.Mẹ lén nhìn qua ô kính cửa phòng cách ly,dáng ông ngoại đi liêu xiêu, bộ đồ phẩu thuật màu xanh lá cây rộng thùng thình & nhàu nhĩ, đi vài bước ông ngoại phải đứng lại nghỉ.Bước chân của ông ngoại nặng nề lắm, phải nặng mà vì đâu biết con đường trước mặt sẽ đưa mình tới đâu. Mẹ đứng nhìn hoài cái dáng đi của ông ngoại, thương ông ngoại nhiều mà bất lực không làm sao san sẻ được cái đau đớn,cái lo lắng mà ông ngoại đang mang. Rồi ca mổ không thành công,khối u quá lớn không thể cắt bỏ,2 tháng sau thì ông ngoại ra đi.Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng mẹ được ngắm ông ngoại từ phía sau, hình ảnh đó cứ đi theo mẹ, dù ông ngoại đi xa đã nhiều năm rồi.
Khi mẹ quen ba,mỗi lần đưa mẹ về nhà,mẹ thích đứng nhìn xe ba chạy mất hút thì mới vô nhà.
Bây giờ mỗi sáng ba đưa Wi đi học,mẹ cũng thích đứng nhìn bóng 2 ba con mất hút thì mới quay vô nhà đóng cửa.
Rồi mỗi ngày cậu Bung xách cặp đi làm hay xách ba lô đi công tác,mẹ cũng thích đứng nhìn theo ...

Có cảm giác những thương yêu được gửi gắm từ phía sau luôn nhẹ nhàng hơn,êm đềm hơn, kín đáo hơn mà cũng nồng nàn hơn.
Nên hãy cứ gửi theo yêu thương của mình,cho người thân, từ phía sau lưng mỗi khi mình có cơ hội.