Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Ba và con gái


Con yêu dấu,

“Em không thể sống nếu thiếu anh”
Là câu Ba không muốn nghe từ con gái
Tình yêu không là điều gì sai trái
Chỉ vì Con tìm chưa đúng nửa mà thôi
“Em không thể sống nếu thiếu Anh”
Là câu Ba không muốn nghe từ Con Gái
Dù cho hắn có là con người vĩ đại
Có đáng thế không, Con Gái của Ba à?
“Em không thể sống nếu thiếu Anh”
Là câu Ba không muốn nghe từ Con Gái
Dù con thấy tâm hốn mình trống trải
Cũng đừng quên rằng Con vẫn có 1 nơi…
Ba Không thể cùng Con đi suốt cuộc đời
Cũng không bên Con mỗi khi khó nhọc
Chỉ một điều Ba mong Con không học
Là câu Ba chẳng muốn nghe
Đứng bắt Ba tìm giúp một nửa của mình
Vì Con biết đó là điều phi lý
Con hãy làm theo con tim và lý trí
Giữa biển người, đừng vội nhé Con yêu

Ba yêu dấu,

Con hứa...
Một bờ vai vừa đủ để gục đầu
Một ánh mắt hiểu điều Con không nói
Một giọng trầm không bao giờ khiến tim Con đau nhói
Hay chỉ là sự im lặng thấu tận lòng Con
Một người bình thường biết tôn trọng Con
Và cũng đáng để cho Con tôn trọng
Không cần nói nhiều để khiến Con hy vọng
Chỉ cần làm vừa đủ để Con tin
Một người bình thường không quá thông minh
Đôi khi chịu cho Con nâng mình lên chút xíu
Đủ tinh ý để biết khi Con nũng nịu
Nói những điều vô lý cũng nhường Con
Một người bình thường có những tật xấu con con
Đế có cái cho Con quan tâm nhắc nhở
Trong mỗi bước đời có điều gì trắc trở
Luôn muốn Con là người biết đầu tiên.
Một người bình thường không có quá nhiều tiền
Để Con không thấy mình như thân tầm gửi
Người không bao giờ khiến Con phải tức cười
Vì cái cười nhếch mép khẽ thoáng qua.
Một người bình thường nhưng biết lo xa
Không để Ba phải bận tâm về Con Gái
Biết phân biệt đâu là điều phải trái
Biết khiêm nhường, từ tốn để vươn lên.
Một người bình thường đủ để nhấc con lên
Như thuở còn thơ Ba hay làm thế.
Đủ kiên nhẫn ngồi nghe Con kể lể
Dù thế nào cũng không ngắt lời Con.
Một người bình thường đủ để thay đổi Con
Chín chắn hơn và biết nghĩ về người khác
Biết cảm thông và sẽ chung lòng gánh vác
Những chông chênh, nghịch cảnh trong đời....
Liệu Con có đòi hỏi những điều quá xa vời
Để mỏi mắt cả đời không tìm thấy?
Để Ba đêm đêm trở mình lo ngay ngáy
Con gái mình, một mái đầu xanh...
“Em không thể sống nếu thiếu anh”
Là câu mà Con sẽ không bao giờ nói

Người ta cười, cho lời Con sương khói
Nhưng đó là lời hứa... của Con gái.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Em chẳng phải pha lê đâu anh
Vì đã rơi nhiều lần mà không vỡ
Thèm được tan ra,nức nở
Nhưng thủy tinh tầm thường
không vỡ vụn
vẫn đau

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Ngày bình yên khác


5h45
- Dậy đi anh, chở con đi học kìa
- Uhm (quay lưng lại)

- Mun, Mướp dậy chuẩn bị đi học kìa con
- Dạ..ạ...
- d...à...ạ...
6h00
- Dậy đi anh, em chuẩn bị đồ ăn sáng rồi (gọi dự phòng vì làm sao trong 15 phút mà chuẩn bị kịp đồ ăn)
- Hai đứa dậy chưa nè, hay là để mẹ lấy roi phết đít?
- Anh mà không dậy thì có 2 đứa sẽ trễ học
(màn độc thoại)
6h10
- Cả 3 có dậy không đây? (gọi vọng từ dưới bếp lên)
(tiếp tục độc thoại)
6h30
- Nhanh nhanh con, trễ học bây giờ, bố con mình mà không lẹ là mẹ cho ăn đòn đấy (mẹ đúng là đại bàng- cái này mình tự biết)
7h00: đến sở làm, nhấm nháp ly coffee trước khi nghiên cứu hồ sơ khởi kiện của khách
12h00: hẹn với Yến xù, Quyên ăn trưa
13h30: quay lại văn phòng để gặp khách hàng
17h00: phóng xe qua trường rước Mướp. Mun giao cho bố.
18h30:
- Anh ơi, cơm xong rồi nhé
- Mun, Mướp rửa tay vào ăn cơm đi con
"Háha, lần này con cho bố biết tay, dám xông vào thành lũy của con hả"
xịt mũi, có vẻ bực bực - "à há, Nu-ba-ga-di" (trong Thỏ và sói)
Chẳng ai thèm nghe mẹ gọi
18h45:
- Này, cha con có ngừng để ăn cơm không đây, hay lại phải roi nhỉ?!
- Chết, mình ngừng chiến nhé, không thì tướng quân bên kia mà nổi giận thì tanh bành hết (xì xào thỏa thuận...)
19h00:
- Con xem Disney chanel nha
- Ba đang xem thời sự mà, con đợi chút đi, hay lên phòng trên mà xem
- Con hổng chịu, sắp có siêu nhân mà
(lào xào gì đó, lại tị nạnh nhau rồi)
- Cha con gì mà có chuyện xem cũng không xong (lên tiếng để dàn xếp)
Im lặng..., tiếng tivi, tiếng bàn phím trên tay mình lóc cóc
- XUNG PHO..ONG...!!!
Không kịp phản ứng, mẹ đã bị bố ôm chặt, Mun, Mướp lăn vào chọt lét mẹ.
hahah, không chịu nổi nữa, "Buông mẹ r..a...aaaa.." "Quân địch đã đầu hàng, quân ta toàn thắng"
Hờ...ờ..hờ..ờ (thở hổn hển)
- Thôi, các con đi học bài đi
- Chơi nữa đi mẹ, ngày mai con ít bài lắm
- Không, phải học xong đã
- 5 phút nữa thôi
- Kh..ông...Không
- Dạ (nói nhỏ xíu, mặt ỉu xìu)
Có người nháy mắt sau lưng "xong rồi chơi"

22h30
Mướp: mẹ đọc truyện đi!!!
Jack và cây đậu thần nhé - Chân Mướp gác trên gối ôm,khò..khò...
Mun, xoãi người, ụp trên mặt quyển "Nicolas và kỳ nghỉ hè", khò...khò...
(cũng may là lúc nãy vừa ăn xong là đã bắt các cu cậu đánh răng rồi)

23h30
- Anh đi đánh răng đi
- Tớ đánh rồi mà (lớn giọng - khẳng định)
- Đừng ăn gian
- Tớ nhớ đã đánh rồi mà (giọng hơi yếu)
- Chưa
- Thì tớ quên (giọng nhỏ hẳn)
Mẹ đúng là đại bàng...

Hết một ngày bình yên ./.

...ngày của 10 năm tới

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Trên tay có đá

Nguyễn Ngọc Tư


Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy.

Lần đầu tới chơi thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nảy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà. Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.

Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi, và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực hờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.

Bạn về nhà rồi chuyện mấy cục đá cũng lẻo đẻo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó… mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.

Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ . Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách Thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật kinh Thánh kinh Coran… Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa dèm pha và hạ nhục… để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau…

Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: người giàu thả chó cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ… Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẳm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt…

Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là "ở đâu đó…", giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở như ăn, có một bà già quê đập bể ti vi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi "đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?".

Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương… đã trở nên vô nghĩa.

Không thể buông bỏ ở cái thời thế này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi ti vi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói, "ta thấy sợ…". Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo thay đổi được người đã không phải là người nữa. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy, nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.

Nông nổi này biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày…

Mình mới bỏ cục đá trên tay xuống

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Nhà có 4 cái chén

Đúng ra phải nói là 4 cái bát.
Hiển nhiên là vì nhà mình có 4 người mà.
Chẳng hiểu bố nghĩ gì khi mua về 4 cái chén khác nhau, không cùng bộ. Bé Mai ré lên là nó xí cái chén có hoa văn màu hồng, phân chia những cái còn lại cho mọi người. Bàn ăn có 4 cái chén khác kiểu, nhìn buồn cười.

Tuy nhiên cái sự buồn cười này cũng có lợi, hễ ai trong nhà chưa ăn cơm là biết ngay. Bố bệnh, nhạt miệng chán cơm, chén chú tễu nằm đìu hiu. Bé Mai đi làm, vội quá, chén màu hồng nằm trơ trơ. Cái chén màu xanh (màu ưa thích của mình) thường xuyên nằm lỏng khỏng vì những buổi công tác đột xuất, những buổi làm việc muộn hay những cuộc vui bất tận nào đó. Để lại một cái chén ít được dùng.
Dù không cùng bộ, nhưng vẫn là một nhà

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Thánh lễ

Trước giờ mình vẫn là "con chiên ghẻ" vì đi nhà thờ mỗi năm 2 lần: Phục sinh và Giáng sinh (thậm chí có năm chỉ đi Giáng sinh).
Không hiểu lý do mình thích đi nhà thờ. Chỉ nhớ láng máng khung cảnh mờ mờ, mùi cỏ, mùi sương sớm, tiếng chuông vang vang của những buổi lễ lúc 5 giờ sáng mà ông ngoại dắt đi khi còn bé. Nhớ cái cảm giác ngước nhìn Chúa, nhìn Đức Mẹ ở trên cao thiệt cao kia, bàn tay nhỏ chắp lại, cúi đầu đọc kinh như con vẹt (thỉnh thoảng ngủ gục trong lúc cha giảng). Khi các khung cửa kính nhiều màu hình hoa văn hoặc các thánh, chuyển từ đen ngòm sang nhờ nhờ rồi rõ và sáng dần thì buổi lễ cũng kết thúc. Làm dấu và bước khỏi nhà thờ với khung cảnh bừng sáng đón mình... thiệt khó tả.

Trong toàn bộ thánh lễ, mình thích nhất đoạn mọi người cầu bình an cho nhau. Thiệt là hay vì cái sự chúc này. Không cần biết đó có phải ông hàng xóm đáng ghét hay bà láng giềng hay tọc mạch chuyện nhà mình không, không quan tâm có ai quen ai không. Chỉ biết lòng mình đang chúc họ bình an và tin mãnh liệt rằng họ cũng đang nghĩ như mình (chẳng có Chúa trời hay Phật tổ nào lại đi chứng cho lòng tà tâm cả nên ai cũng thành tâm là cái chắc).

Lần này đi thánh lễ chủ nhật, tuần thứ 3 mùa phục sinh, thấy bản thân mình kỳ quặc. Lần đầu nghe ca đoàn hát thật chăm chú. Lần đầu nghe lời cha giảng mà phải suy ngẫm. Không phải đi lễ lần đầu mà trong tâm tưởng lại có những điều như mới lần đầu.
Thích luôn câu
"Chúc các anh chị ra về bình an"

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Nếu có 2012

(tặng một người vừa có tin vui, bạn vẫn vui dù bị năm cọp gây áp lực)

Nếu có 2012, bố sẽ không bắt tụi con dầm mình trong tuyết, nhúng mình trong nước, trải mình qua những cơn sợ hãi tột cùng.

Nếu có 2012, bố sẽ đưa tụi con lên đỉnh Yellow Stone, đề cùng ngắm khoảnh khắc khai thiên lập địa, để cùng chạm vào nhau lần cuối và tan ra mãi mãi

Nếu có 2012, chúng ta sẽ hưởng thụ được cảm giác sống cùng người thân và chết cùng người thương, chúng ta luôn ở bên nhau, từ giây đầu tiên đến phút cuối cùng của cuộc đời.

Nếu có 2012, bố sẽ không phí hoài một cuộc điện thoại chỉ để nói với con rằng bố yêu thương con, vì tụi con đã được tắm mát vùng vẫy thỏa thuê từng ngày trong tình yêu thương của bố từ ngày con vừa chào đời

Nếu có 2012, bố sẽ không lãng phí tiền để mua một suất tồn tại, bố không đưa tụi con trở về thuở hồng hoang sống như bộ lạc, số tiền đó sẽ dùng làm chuỗi ngày tươi vui hạnh phúc cho tụi con và tất cả những ai có thời gian muốn tận hưởng cùng con cái của mình.

Nếu có 2012, bố sẽ không khóc, bố sẽ ung dung điềm tĩnh và vui đùa cùng tụi con, bố sẽ kể con nghe vài nghìn năm sau nhân loại sẽ tim thấy ba bộ xương hóa thạch của bố con mình dinh chặt lấy nhau, tay cầm tay, miệng vẫn cười, yêu thương, gắn bó, khi ấy loài người sẽ đưa mình vào viện bảo tàng và gọi mình là nhân chứng tình thương.

Nếu có 2012, bố vẫn chải tóc cắt móng tay chân con, vẫn ngoáy rốn con, vẫn cụng bụng với con, vẫn hôn con và cắn con.

Nếu có 2012, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong võng mạc của bố là bóng dáng của con, vật thể bố chạm vào cuối cùng là bàn tay con, mùi thơm cuối cùng bố cảm nhận được là mùi mồ hôi của con.

Nếu có 2012, chúng ta không phải nói lời từ biệt nhau, lời cuối cùng bố sẽ nói, vẫn như mọi ngày “bố yêu thương con, nhiều, hoài, mãi”


Chúc bạn của tui tràn ngập yêu thương

(mách nhỏ là bài này của một người cha viết chứ không phải tớ đâu nhá)

Yêu thương từ phía sau lưng

(Tâm sự của chị Bo, đọc trong những ngày Tết nằm khèo ở nhà, mượn của chị bỏ lên blog vì cảm động và vì cũng có tật hay nhìn lén sau lưng mọi người. Tôn trọng tác giả, giữ nguyên bản)

Tấm hình này cô Yến chụp cho Wi ở Mũi Né.Ba bạn Cheery bảo bác í thích cái tướng đi này : mạnh mẽ,dứt khóat.
Mẹ cũng thích tấm ảnh này lắm vì mẹ hầu như chưa bao giờ có đủ thời gian để ngắm dáng đi của Wi từ phía sau.Cứ mỗi lần Wi quay lưng đi thì mẹ phải bỏ hết mọi việc để vội vã đi theo, vì có thể Wi sẽ bị té, hay Wi sẽ kiếm thứ gì đó để phá. Rồi tự dưng lẩn thẩn nhớ đến những dáng đi của những người thân yêu.
Có 2 dáng đi sẽ ám ảnh mẹ đến suốt cuộc đời.Một là dáng đi khấp khiểng của bà cố,khi bà cố đưa mẹ ra bến xe để đi Sài Gòn khi bắt đầu vào năm thứ nhất đại học. Xe rời bến 1 đoạn rất xa, bà cố vẫn đứng nhìn theo ... rồi vì còn sót 1 người khách, xe quay lại bến để đón.Mẹ nhìn thấy dáng bà cố quay về,bà cố đi bước thấp bước cao, khấp khiểng,nặng nhọc. Lúc đó có cảm giác bà cố vừa nhỏ bé,vừa cô đơn. Mà phải thôi,vì mẹ ở với bà cố từ nhỏ tới lớn, bà cố đi đâu, làm gì cũng có mẹ lẽo đẽo bên cạnh, giờ vắng mẹ chắc chắn là bà sẽ rất buồn.Mà bước đi khấp khiểng của bà cố,cũng là vì mẹ. Còn nhớ những ngày chuẩn bị khai giảng năm học lớp 6,bà ngoại yếu đi nhiều ,nên bà cố phải đi chợ mua len đan áo đồng phục cho mẹ kịp năm học mới. Những ngày tháng 9 trời Đà Lạt hay mưa, đường sá lúc nào cũng trơn trợt,nhớp nháp.Bà cố bị trợt chân té trên đường từ chợ về,và chân bà cố không còn bình thường từ đó.Nên mỗi lần nhìn bà cố bước đi,mẹ lại cảm thấy như mình có lỗi nhiều lắm.Xe chạy được 1/3 đoạn đường,nước mắt của mẹ vẫn nhòe nhoẹt ướt đẫm,chỉ mong học xong mau mau để quay về với bà.
Một dáng đi nữa là của ông ngoại.Khi ông ngoại đi vào phòng mổ.Ông ngoại bị ung thư phổi, bác sĩ chỉ định cắt bỏ 3/4 lá phổi bên trái,với hy vọng sẽ ngăn chặn khối u phát triển.Ca mổ được đánh giá có 50% cơ hội.Mẹ sợ,cậu Bung sợ,nhưng ông ngoại quyết tâm mổ,để hy vọng kéo dài thêm những ngày tháng sống với mẹ & cậu Bung. Cả nhà đưa ông ngoại vô tới cửa phòng cách ly,sau đó thì còn phải đi qua 1 đoạn hành lang dài mới vào tới phòng mổ.Mẹ lén nhìn qua ô kính cửa phòng cách ly,dáng ông ngoại đi liêu xiêu, bộ đồ phẩu thuật màu xanh lá cây rộng thùng thình & nhàu nhĩ, đi vài bước ông ngoại phải đứng lại nghỉ.Bước chân của ông ngoại nặng nề lắm, phải nặng mà vì đâu biết con đường trước mặt sẽ đưa mình tới đâu. Mẹ đứng nhìn hoài cái dáng đi của ông ngoại, thương ông ngoại nhiều mà bất lực không làm sao san sẻ được cái đau đớn,cái lo lắng mà ông ngoại đang mang. Rồi ca mổ không thành công,khối u quá lớn không thể cắt bỏ,2 tháng sau thì ông ngoại ra đi.Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng mẹ được ngắm ông ngoại từ phía sau, hình ảnh đó cứ đi theo mẹ, dù ông ngoại đi xa đã nhiều năm rồi.
Khi mẹ quen ba,mỗi lần đưa mẹ về nhà,mẹ thích đứng nhìn xe ba chạy mất hút thì mới vô nhà.
Bây giờ mỗi sáng ba đưa Wi đi học,mẹ cũng thích đứng nhìn bóng 2 ba con mất hút thì mới quay vô nhà đóng cửa.
Rồi mỗi ngày cậu Bung xách cặp đi làm hay xách ba lô đi công tác,mẹ cũng thích đứng nhìn theo ...

Có cảm giác những thương yêu được gửi gắm từ phía sau luôn nhẹ nhàng hơn,êm đềm hơn, kín đáo hơn mà cũng nồng nàn hơn.
Nên hãy cứ gửi theo yêu thương của mình,cho người thân, từ phía sau lưng mỗi khi mình có cơ hội.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

The best Poem of 2006

Nominated by UN as the best Poem of 2006
Written by an African Kid

When I born, I black
When I grow up, I black :
When I go in Sun, I black
When I scared, I black
When I sick, I black
And when I die, I still black

And you white fellow
When you born, you pink
When you grow up, you white
When you go in sun, you red
When you cold, you blue
When you scared, you yellow
When you sick, you green
And when you die, you grey
And you calling me colored??

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

Ngạch cửa

Ngày xưa đi học vẫn nhớ khi phân tích về Chí Phèo, có một ý rất hay "Chí Phèo đã chết ngay tại ngạch cửa của cuộc đời". Minh thì chắc không bi đát như Chí Phèo.

Lần nào cũng ngập ngừng bước chân trước ngạch cửa(chỉ tưởng tượng vậy thôi chứ nhà ở thành phố khó tìm thấy ngạch cửa lắm).
Cảm giác không lần nào giống lần nào. Biết chắc lằn ranh mỏng manh đó, chỉ cần đưa chân là vượt giới hạn, có giới hạn cần giữ thật vững, có giới hạn chỉ cần phá bỏ là đưa mình đi đến cùng.
Vậy mà vẫn ngập ngừng
Già rồi, người ta không đủ máu "liều" để vượt qua ngạch cửa???